Truyền thống

     Căn cứ vào các nguồn tài liệu lịch sử, tôn giáo và dân tộc học thì Phật giáo từ Ân Độ du nhập vào nước ta cách đây khoảng trên dưới 2000 năm. Đến thế kỷ VI thì Luy Lâu (nay thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh), là trung tâm Phật giáo lớn nhất nước ta, được ghi trong sách Thiền uyển tập anh ngữ lục, như: “Có hơn 20 ngọn bảo tháp, độ được 15 bộ kinh”. Khi ấy, Phật giáo Luy Lâu gắn liền với tín ngưỡng dân gian được phong tục hoá và dân gian hoá. Nó biểu hiện tâm lí, lòng mong ước và thế giới quan của người dân trồng lúa nước vùng đồng bằng sông Hồng.

Truyền thống

     Do những chính sách nô dịch về văn hoá của các tập đoàn phong kiến phương Bắc, ở thời kỳ này, trong tâm thức dân gian của người Việt cũng như trước kia, vẫn tiếp tục lưu truyền các truyền thuyết lịch sử về cội nguồn dân tộc và tổ tiên giống nòi, nhằm củng cố bản lĩnh, tinh thần dân tộc. Các truyền thuyết lịch sử đó đã được dân gian huyền thoại hoá và thần thánh hoá để trở thành tín ngưỡng thờ các vị anh hùng dân tộc rất độc đáo của người Việt. Theo quan niệm dân gian, thì việc tôn thờ ngợi ca các vị anh hùng lịch sử và danh nhân văn hoá trong các lễ hội dân gian là dễ thực hiện nhất, nhằm bày tở lòng ngưỡng mộ, biết ơn và kính trọng đối vớicác bậc tổ tiên, và tín ngưỡng thờ tổ tiên đã trở thành hạt nhân tín ngưỡng của các lễ hội tổ chức tôn vinh, tưởng niệm Âu Cơ và Lạc Long Quân, các vua Hùng, cùng vớicác lễ hội tôn thờ các vị anh hùng huyền thoại như: Thánh Gióng, Thánh Tản Viên, Thánh Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa, v.v… Cũng ở trong thời kỳ này đã xuất hiện nhiều vị anh hùng dân tộc lãnh đạo nhân dân, đứng lên khởi nghĩa đánh đuổi giặc ngoại xâm như: Hai Bà Trưng (năm 40 – 43), Bà Triệu Thị Trinh (ởthế kỷ III), Lí Bí, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng, v.v… 
    Cho dù các cuộc khởi nghĩa này đều bị thất bại, họ đều anh dũng hi sinh vì giang sơn gấm vóc, song tên tuổi và sự nghiệp của họ mãi mãi đi vào sử sách của dân tộc. Nhân ngày giỗ của các vị anh hùng dân tộc, nhân dân đã tổ chức lễ hội trọng thể để tưởngniệm và lập đền miếu để tôn thờ ở nhiều địa phương trong cả nước(tại những nơi họ đã sinh thành, hoặc nơi họ đánh giặc và hi sinh vì nước). Bằng những hình thức trang nghiêm để suy tôn tưởng niệm các vị anh hùng dân tộc trong các lễ hội dân gian, để cho họ được hoá thân vào các thần điện của tâm linh dân tộc. Có lẽ đây là một phương thức độc đáo, vừa hiệu quả cao, lại vừa che mắt được kẻ thù, đồng thời là một cách ứng xử khôn khéo và uyển chuyển của tổ tiên cha ông chúng ta, nhằm duy trì và phát huy những truyền thống văn hoá và truyền thống lịch sử của dân tộc được sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Vì vậy, cho dù bị giặc phương Bắc cai trị và nô dịch hàng nghìn năm, dân tộc ta vẫn bảo tồn và phát huy được nền văn hoá gốc (bản địa) của mình vô cùng phong phú, đa dạng, mang bản lĩnh và bản sắc dân tộc độc đáo, và không hề thua kém bất cứ một dân tộc nào trên thế giới đương thời.


Đọc thêm tại: