Lễ hội dân gian truyền thống Việt Nam luôn được duy trì và phát triển

     Như vậy, trong suốt giai đoạn dài từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, lễ hội dân gian truyền thống phát triển tương đối ổn định theo quy mô lớn cả về nội dung lẫn hình thức, với ba loại hình cơ bản gồm: lễ hội đền (miếu, điện, phủ), lễ hội chùa và lễ hội đình làng. Khi đó trong thần điện của lễ hội truyền thống được bổ sung thêm nhiều vị thần linh mới. Họ đều là những vị anh hùng dân tộc của các thời kỳ lịch sử kế tiếp nhau như: Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, v.v… Cũng giống như các thời đại lịch sử trước, lễ hội dân gian truyền thống ở giai đoạn này vẫn bảo lưu và gìn giữ được các di sản văn hoá – lễ hội dân gian của nền văn hoá dân tộc và tiếp tục phát huy các giá trị văn hoá thuộc về bản sắc văn hoá dân tộc cho muôn đời con cháu mai sau.

Lễ hội dân gian truyền thống Việt Nam luôn được duy trì và phát triển

     Tình hình văn hoá – lễ hội dân gian cổ truyền trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ diễn ra khá phức tạp. Để dễ bề cai trị và áp bức bóc lột nhân dân ta, thực dân Pháp dựa vào bộ máy cai trị thối nát vốn có của triều đình nhà Nguyễn từ trung ương đến các địa phương. Đó là hệ thống vua quan phong kiến và bọn địa chủ cường hào, ác bá; và hội đồng kỳ mục tại các làng xã của người bản xứ. Đồng thời chúng tiếp tục duy trì quan hệ sản xuất phong kiến và nền kinh tế tiểu nông lạc hậu lỗi thời, cùng với hệ thống làng xã cổ truyền nhỏ lẻ, khép kín ở nông thôn Việt Nam. Do cơ cấu làng xã vẫn còn được duy trì như cũ, nên các hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian tuy có biến động, song về cơ bản, các hoạt động văn hoá tinh thần vẫn được bảo lưu như: tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội dân gian và hệ thống phong tục tập quán cổ truyền vẫn được tổ chức tại các làng xã như trước đây. Thời gian tổ chức các lễ hội dân gian vẫn được tiến hành rất sôi động vào mùa xuân và mùa thu, nhưng các lễ hội tổ chức vào mùa xuân đã chiếm ưu thế cả về số lượng và quy mô, so với lễ hội mùa thu về không gian tiến hành các lễ hội dân gian, người ta vẫn lấy các ngôi đền, đình và chùa làng làm trung tâm và diễn trường của lễ hội như ở các thời kỳ trước đó. Các lễ hội đền tôn vinh các vị anh hùng dân tộc như: các vua Hùng, Thánh Gióng, Thánh Tản Viên, v.v… đều được tổ chức rất linh đình. Ví như: lễ hội đền Phù Đổng tôn thờ Thánh Gióng, người anh hùng đánh giặc huyền thoại của nước ta, được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 9 tháng 4 (âm lịch), đã thu hút hàng chục nghìn người đến tham dự. Đây là một lễ hội truyền thông diễn tả lại sự kiện lịch sử chiến thắng giặc Ân của quân dân nước Văn Lang ở thời vua Hùng Vương thứ 6, được dân gian lịch sử hoá và biểu tượng hoá thành thần tượng Thánh Gióng. Và Ngài được nhân dân suy tôn là một trong bốn vị thánh bất tử trong thần điện dân gian người Việt. Lễ hội làng Phù Đổng đã tạo được cảm xúc cho những ai đã từng được chứng kiến, ngay cả người nước ngoài. Như học giả Pháp Đuymuchie rất đỗi ngạc nhiên và thán phục khi viết về lễ hội này trong cuốn:Một ngày hội tôn giáo của người An Nam như sau:”Ở châu Âu cổ kính của chúng ta, thử hỏi dân tộc nào lại hãnh diện là còn được tiến hành kỷ niệm một sự kiện anh hùng trong lịch sử của mình đã xảy ra từ hai nghìn ba trăm năm trước?…”