Nền văn hóa đồ đồng – nền văn hóa Đông Sơn ở nước ta

     Khi lịch sử văn hoá nhân loại bước sang thời đại đồ đồng, thì ở nước ta khảo cổ học đã phát hiện được nền văn hoá Phùng Nguyên (Phú Thọ) với đồ đồng có niên đại cách nay khoảng 4000 năm. Nhưng khi đó đồ đá vẫn được người ta cải tiến và tiếp tục sử dụng, nên giới khoa học còn gọi là thời kỳ đồ đá – đồng. Đây là thời kỳ đánh dấu một bước phát triển cao hơn của lực lượng sản xuất, nhất là khi công cụ đồng thau ra đời, đã dẫn tới quá trình phân công lao động xã hội lần thứ nhất giữa các bộ lạc chăn nuôi và trồng trọt.

     Do vậy, nền sản xuất nông nghiệp được phát triển mạnh mẽ nhờ có công cụ bằng đồng dần chiếm ưu thế và thay thế công cụ bằng đá. Như vậy, ở sơ kỳ thời đại kim khí (đồ đồng thau) ở nước ta đã có nghề trồng lúa nước khá phát triển, đó là cội nguồn của văn minh Văn Lang. Đến thời đại trung kỳ đồ đồng thau, ở nước ta có nền văn hoá Đồng Đậu (Vĩnh Phúc) cách nay khoảng 3000 – 3500 năm. Tiếp theo đó là nền văn hoá Gò Mun (Phú Thọ), thuộc hậu kỳ thời đại Đồng thau cách nay khoảng 3000 năm. Khảo cổ học đã phát hiện được vỏ trấu, gạo cháy, mảnh tro xôi lúa… Sau đó ở nước ta bước sang thời kỳ văn hoá Đông Sơn, là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của đồ đồng thau, cách đây khoảng 2700 năm. Và đỉnh cao của nền văn hoá Đông Sơn là sự ra đời của nhà nước Văn Lang của các vua Hùng,trải qua 18 đời vua trị vì khoảng trên dưới 500 năm (khoảng từ 700-250 trước Công nguyên).

Nền văn hóa đồ đồng – nền văn hóa Đông Sơn ở nước ta

     Như vậy, hệ thống văn hoá trước Đông Sơn là một tổ hợp các văn hoá Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun nằm ởlưu vực sông Hồng. Vì sự phát triển từ văn hoá Phùng Nguyên, qua văn hoá Đồng Đậu, và văn hoá Gò Mun, đến văn hoá Đông Sơn là liên tục, nên các văn hoá này là những giai đoạn kế tiếp nhau trong một tiến trình phát triển văn hoá thống nhất, được gọi là văn hoá Tiền Đông Sơn. Bằng nghiên cứu thực nghiệm các tàn tích văn hoá trong các di chỉ khảo cổ học tương ứng với các giai đoạn văn hoá từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn, và qua việc giải mã các hoa văn trang trí và các hình chạm khắc trên các trống đồng Đông Sơn, cùng với xác định niên đại bằng các bon phóng xạ (C14), đã hội đủ các chứng cứ khoa học thuyết phục để chứng minh cho sự phát triển liên tục của các văn hoá Tiền Đông Sơn đến văn hoá Đông Sơn. Trên cơ sở đó các nhà sử học, khảo cổ học, dân tộc học và văn hoá học đã đi đến kết luận rằng, văn hoá Đông Sơn là một nền văn hoá bản địa được hình thành và phát triển từ các văn hoá trước nó, mà chủ nhân của văn hoá Đông Sơn là người Lạc Việt (hay người Việt cổ), họ là hậu duệ của chủ nhân các văn hoá Tiền Đông Sơn. Và có thể khẳng định một cách khá chắc chắn rằng, thời kỳ Hùng Vương dựng nước Văn Lang là thời kỳ có thực trong lịch sử dân tộc ta.