Lễ hội truyền thống là cái nôi nuôi dưỡng bản sắc văn hoá dân tộc

     Khi nào lễ hội phát triển ở mức độ cao, mạnh mẽ thì nó tác động vào phong tục tập quán thuộc hệ thống này, hoặc là chấp nhận, hoặc là thu nạp thêm vào mình những yếu tố mới nảy sinh trong lễ hội. Ngược lại, nếu phong tục tập quán mạnh hơn thì nó vẫn tiếp tục duy trì những đặc tính của lễ hội ở mức độ phát triển thấp, ngay cả khi mà nhân loại đạt tới trình độ phát triển cao hơn; thậm chí cả khi các yếu tố mang những đặc tính trái hẳn với quan niệm đạo đức, nếp sống đương thời. Chẳng hạn, như các nghi lễ phồn thực trong các lễ hội nông nghiệp ở nhiều địa phương của nước ta vẫn còn lưu giữ được các nghi lễ phồn thực nguyên thuỷ bằng tục thờ sinh thực khí, thờ thần Đực – Cái hay Ảm – Dương, hoặc tục thờ nữ nương, v.v…

    Như vậy, lễ hội truyền thông là một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian mang đậm bản sắc dân tộc. Đó là một hiện tượng văn hoá – xã hội rất phong phú về mặt nội dung, và đa dạng về mặt hình thức, song vô cùng phức tạp. Lễ hội truyền thống gồm có ba thực thể hay ba thành tố: lễ, hội, và phong tục đan xen và hoà quyện gắn liền với nhau làm cho người ta rất khó phân biệt đâu là các nghi lễ, đâu là phong tục tập quán, và đâu là hội hè, vui chơi giải trí. cả ba hệ thống này gắn bó chặt chẽ với nhau trong một chỉnh thể không thể chia tách được, đó là lễ hội truyền thống của người Việt.

Lễ hội truyền thống là cái nôi nuôi dưỡng bản sắc văn hoá dân tộc

LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG LÀ CÁI NÔI NUÔI DƯỠNG BẢN SẮC VĂN HOÁ DÂN TỘC

    Như đã trình bày ở trên, lễ hội là một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian diễn ra ở khắp các làng xã cổ truyền của nước ta từ ngàn xưa. Trong lễ hội hàm chứa rất phong phú và đa dạng các giá trị văn hoá dân gian tiêu biểu của một làng quê nông nghiệp, và nó là một thành tố văn hoá quan trọng tạo nên văn hoá làng. Vì vậy, dân gian vẫn quen gọi nôm na lễ hội truyền thống của làng mình là hội làng. Điều đó là một thực tê không thể phủ nhận được, vì từ ngàn xưa, lễ hội của làng bao giờ cũng gắn liền với việc thờ phụng các vị thần linh ở đền miếu, đình và cả chùa làng nữa. Vì vậy, các công trình kiến trúc cổ kính rêu phong là những ngôi đền, ngôi đình và ngôi chùa làng đã trở thành những không gian tâm linh lí tưởng và là những trung tâm hay diễn trường của lễ hội ở các làng quê. Có thể cho ràng, lễ hội của các làng xã xưa kia vừa là một thiết chế chính trị – tôn giáo, vừa là thiết chế xã hội – văn hoá ở đơn vị cơ sở của nước ta, được nhân dân truyền đời tự giác tuân theo, và được nhà nước phong kiến Đại Việt (từ thế kỷ XI-XVIII) và triều đình nhà Nguyễn (từ thế kỷ XIX- giữa XX) thừa nhận.


Đọc thêm tại: