Đền Hùng ngày càng được trùng tu khang trang hơn

     Vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, nhiều lễ hội đền vẫn tiếp tục được tổ chức hoành tráng để tôn vinh các vị anh hùng dân tộc có nhiều công lao trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Đặc biệt, nhiều khu di tích lịch sử – văn hoá được trùng tu xây dựng với quy mô lớn, như khu di tích đền Hùng ở Phú Thọ đã được sự cung tiến tiền của, công đức của một số thương gia  lớn hảo tâm ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội), năm 1919 đã tiến hành xây 495 bậc đá từ đền Hạ, qua đền Trung đến đền Thượng.

     Nhân dân các làng xã quanh khu di tích đền Hùng đã tự nguyện quyên góp tiền của để trùng tu sửa chữa các ngôi đền trên núi Nghĩa Lĩnh thêm khang trang đẹp đẽ, để hàng năm tổ chức lễ hội cúng giỗ các vua Hùng vào ngày mùng 10 tháng 3 (âm lịch) với quy mô quốc lễ. Đến năm 1937, học giả Nguyễn Văn Huyên đã công bố nhiều tư liệu quý hiếm về lễ hội tôn thờ Thánh Gióng ở làng Phù Đổng thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh (nay là Gia Lâm, Hà Nội) và Giáo sư có nhận xét rằng, đây là một lễ hội lớn của dân tộc Việt Nam, có quy mô tổ chức chặt chẽ, biểu thị khí phách hào hùng của dân tộc.

Đền Hùng ngày càng được trùng tu khang trang hơn

    Nhìn chung, lễ hội đền trong giai đoạn này đã góp phần to lớn làm thức dậy lòng yêu nước, niềm tự hào tự tôn dân tộc, nhớ về cội nguồn và tổ tiên giống nòi, thông qua việc tổ chức các lễ hội linh đình để tưởng niệm và tôn vinh các vị anh hùng dân tộc tiêu biểu như: các vua Hùng, các vị Thánh trong “Tứ bất tử”, Hai Bà Trưng và các bộ tướng, Trần Hưng Đạo và các bộ tướng, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, v.v… Đặc biệt khi đó mới xuất hiện lễ hội giỗ trận Đông Đa để tôn thờ vua Quang Trung và tưởng niệm các chiến binh hi sinh trong trận đánh lịch sử, giải phóng kinh thành Thăng Long khởi ách xâm lược của nhà Thanh vào đúng ngày mùng 5 Tết. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng trong lịch sử chông giặc ngoại xâm của dân tộc ta.