Khái niệm về văn hóa

    Trên thực tế, thuật ngữ văn hoá được hiểu theo hai nghĩa rộng hẹp khác nhau trong hoạt động ngôn ngữ thông thường, nhưng với tư cách là một khái niệm khoa học thì văn hoá có hàm nghĩa sâu rộng và phong phú, đa dạng hơn rất nhiều. Do vậy, để hiểu rõ khái niệm văn hoá thì người ta phải truy nguyên nghĩa gốc của từ (hay chữ viết – văn tự) này.

    Trước hết, văn hoá là một từ Việt gốc Hán. Dựa vào các tài liệu và thư tịch cổ của Trung Quốc thì văn có nghĩa là đẹp (chỉ vẻ đẹp, hay cái đẹp) và hoá có hàm nghĩa là làm thay đổi, làm cho tốt đẹp, hoàn thiện hơn. Vì vậy, trong sách Chu Dịch có câu: “Quan hồ nhân văn dĩ hoá thành thiên hạ” (được dịch là: “Quan sát vẻ đẹp của con người, của xã hội loài người, dựa vào đó mà giáo hoá thiên hạ”).

Về khái niệm văn hoá

Khái niệm về văn hóa


    Đến đời nhà Hán thì hai từ văn và hoá được kết hợp lại với nhau thành một từ ghép là văn hoá, với hàm nghĩa: dùng để chế hợp lòng người, lễ nhạc văn chương, sách vỏ ghi lời hay ý đẹp, gương sáng đạo đức hiền tài… để cảm hoá dân chúng. Với ý nghĩa đó, từ văn hoá được tiếp tục mỏ rộng ở cuối đời nhà Thanh, khi loại sách mới “tân thư” xuất hiện; và đây là loại “sách mới” bàn về cải cách thể chế, đổi mới xã hội do phong trào “Duy tân” ởTrung Quốc khởi xướng. Đồng thời, trong cuộc cách mạng Minh Trị duy tân ở Nhật Bản (năm 1868), các nhà khoa học xã hội đã dịch rất nhiều sách thuộc lĩnh vực văn chương học thuật của các nước phương Tây. Họ đã dùng hai chữ văn hoá mượn của Trung Quốc để dịch thuật ngữ culturetrong sách tiếng Anh và tiếng Pháp, hoặc chữ kulturtrong sách tiếng Đức. Như vậy, có thể nói rằng các nhà khoa học xã hội Nhật Bản là những người tiên phong trong việc bổ sung, mở rộng hàm nghĩa của từ văn hoá và làm cho nó trở thành một thuật ngữ khoa học thông dụng trong các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn nói chung.

    Từ đó, thuật ngữ văn hoá nêu trên được sử dụng tương đương với từ culturetrong tiếng Anh và tiếng Pháp, từ kulturtrong tiếng Đức. Các thuật ngữ này đều do từ gốc cultura(chữ Latinh) mà ra, có nghĩa gốc là trồng trọt và được dùng theo hai nghĩa: một là nghĩa đen, tức là chăm sóc cây trồng và, hai là nghĩa bóng, chỉ sự chăm sóc con người về mặt giáo dục, đào tạo. Vì vậy, văn hoá gắn liền với giáo dục đào tạo con người, một tập thể (cộng đồng) người để cho họ có được những phẩm chất tốt đẹp, cần thiết cho toàn thể cộng đồng xã hội. về sau, khái niệm văn hoá được các nhà khoa học tiếp tục mở rộng thêm nhiều, với nội dung cơ bản gắn liền với những hoạt động thực tiễn sáng tạo của con người, nhằm nâng cao chất lượng và không ngừng cải thiện đời sống vật chất, cũng như đời sống tinh thần của con người trong xã hội.